Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Phản ánh gây ô nhiễm môi trường


Bức xúc những ngày cuối tháng 3 của người dân thị trấn Hát Lót, Mai Sơn khi nhà máy đường liên tục xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng khi khiếu nại thì lãnh đạo công ty CP Mía Đường Sơn La thẳng thừng tuyên bố rằng không xả nước thải gây ô nhiễm môi trường mà có hệ thống xử lý nước thải riêng.

Ông Lèo Văn Thân bên bờ mương Gốc Sung, nước đen kịt. Ảnh: Hồng Bài

Thực tế là ô nhiễm

Trao đổi với PV về tình trạng CTCP Mía đường Sơn La xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, ông Phùng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hát Lót cho biết: Từ khi CTCP Mía đường Sơn La (nhà máy đường) hoạt động, người dân thị trấn phải hứng chịu tình trạng môi trường nước, không khí bị ô nhiễm nặng nề. Nghiêm trọng nhất là vụ sản xuất 2013 - 2014, các hộ dân ở TK4, TK5, TK6 liên tục phản ánh, "kêu cứu" chính quyền vì không thể chịu nổi không khí hôi thối nồng nặc và nguồn nước đen đặc của con suối Nậm Pàn. Cá, tôm, cua dưới suối bị chết hết.

Sau khi bị các cơ quan chức năng của Trung ương và tỉnh Sơn La xử phạt, nhà máy đường đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mía đường, nghe nói khá hoàn chỉnh và hiện đại. Thời gian đầu vụ sản xuất 2014 - 2015, mức độ ô nhiễm có giảm so với mấy năm trước. Tuy nhiên, bước vào tháng 2/2015, nhất là những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, tình trạng ô nhiễm môi trường lại tái diễn như trước đây.

Chúng tôi được ông Trần Đại Thắng, Trưởng Công an thị trấn Hát Lót đưa vào suối Nậm Pàn và TK4, TK5. Còn cách con suối Nậm Pằn hơn 300m mà mùi hôi thối đã nồng nặc, khó thở. Đến con mương Gốc Sung, một lạch nước chảy vào suối Nậm Pàn thì chúng tôi phải dừng chân. Một cái khẩu trang chứ hai, ba cái lồng vào cũng không chịu được.

Ông Lò Văn Thân, Tổ trưởng Tổ Đảng xóm 2 TK5 đang dùng cây sào gạt rác trong lòng mương, thấy chúng tôi, nói: Vào mương Gốc Sung, trưa không nuốt nổi cơm đâu. Dân ở đây khổ quá rồi. Kiến nghị, khiếu nại bằng miệng, bằng giấy "gửi" lên cấp trên cũng chẳng thấy nước trong hơn, sạch hơn tí nào. Chán rồi không ý kiến gì nữa, càng ý kiến càng ô nhiễm nặng hơn.

Ông Thắng cho biết, mấy hộ dọc mương sáng nào cũng phải dùng sào khua cho tan, trôi bớt váng đen kết đặc trên mặt nước, thậm chí có hôm phải dùng máy bơm, bơm nước giếng khoan xả vào lòng mương rồi dùng sào khua. Không khí ô nhiễm nặng nhất là buổi chiều khi mặt trời lặn và lúc 1 - 2 giờ sáng. Lúc đó nước từ phía đầu nguồn (nhà máy đường) dồn về, ban ngày nước trong mương lại cạn.

Cụ Đỗ Thị Minh, 85 tuổi, nhà cách mương Gốc Sung hơn 50m, phàn nàn: Buồng ngủ của tôi, các cháu phải dùng bạt quây kín xung quanh. Ngày đeo khẩu trang, đêm nằm ngủ cũng phải đeo khẩu trang. Một thời gian thấy đỡ mùi thối, đã thấy mừng. Hơn tháng nay lại thấy nước mương đen, mùi hôi thối còn nồng nặc hơn năm ngoái (năm 2014). Cứ tình trạng này thì người dân ở đây không thọ được đâu.

Bà Phạm Thị Hằng, Tiểu khu trưởng TK5 cho biết: Cuộc họp đầu năm của tiểu khu, tôi vừa khen nhà máy đường xử lý môi trường khá hơn năm ngoái. Không biết vì sao từ đầu tháng 3 đến nay, tình trạng ô nhiễm lại nặng hơn năm ngoái. Nhà máy đã cam kết với chính quyền, hứa hẹn với dân là không để xảy ra ô nhiễm môi trường nữa. Nhưng, svài lần hứa hẹn là hết vụ sản xuất, còn người dân thì hứng chịu quanh năm, ngày tháng. Mấy năm nay sống trong cảnh ô nhiễm, nhiều người sinh bệnh, ốm đau đi viện, đã có mấy người chết vì ung thư. Mình có tuổi rồi thế nào cũng chịu được, thương lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi học, rồi mai sau sức khỏe chúng nó sẽ thế nào.

Cty phủ nhận

Từ TK5, thị trấn Hát Lót, tôi vào Nhà máy Đường Sơn La mà không hẹn trước. Vừa đưa ý kiến phản ánh của người dân, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Mía đường Sơn La phủ nhận ngay: Năm 2014, Cty chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mía đường, tình trạng ô nhiễm là có. Sau đó, Cty đầu tư trên 8,4 tỷ đồng phối hợp với Trung tâm Công nghệ môi trường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xây dựng hệ thống xử lý nước thải mía đường. Hệ thống này thuộc loại hiện đại, với quy trình khép kín, liên hoàn. Nước thải sau sản xuất được lọc, xử lý qua nhiều cung đoạn bằng men vi sinh với hệ thống bể chứa kiên cố, vững chắc, không rò rỉ như: Bể yếm khí, bể hiếu khí, bể chứa nước thải cuối cùng. Sau xử lý, nước thải được quay vòng lại phục vụ cho sản xuất. Vào vụ sản xuất năm 2014 - 2015, Cty đã đưa hệ thống xử lý nước thải mía đường vào hoạt động, vận hành đem lại hiệu quả rất cao. Vì vậy, ý kiến phản ánh của một số người dân, cho rằng nhà máy xả thải ra môi trường gây ô nhiễm là không đúng!

Hệ thống xử lý nước thải hiện đại của CTCP Mía đường Sơn La. Ảnh: Hồng Bài

Hỏi về sự cố xảy ra đầu năm 2015, ông Minh phân bua: Đấy là sự cố mà doanh nghiệp không thể lường trước được. Có thể do nước thải thẩm thấu qua tấm nhựa lót đáy hồ chứa ra môi trường... mới gây ô nhiễm. Điều đó là đúng, Cty đã khắc phục. Còn vụ đầu năm 2014, Cty bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường lập biên bản vi phạm hành chính, bị xử phạt gần 440 triệu đồng, là do người dân tự ý vào nhà máy, lấy nước thải đưa ra ngoài để bón cho hoa màu, bị công an phát hiện, hậu quả là Cty bị xử phạt.

“Tôi đã nói với Bí thư Huyện ủy Mai Sơn là, suối Nậm Pàn chảy qua nhiều khu dân cư, nước thải ở chợ, nước thải từ các công trình vệ sinh của hộ dân đều đổ ra suối cũng gây ô nhiễm, gây mùi thối chứ không phải tất cả là do nhà máy đường xả thải ra ngoài gây ô nhiễm”, ông Minh nói và đưa tôi đi xem hệ thống xử lý nước thải mía đường. Đúng là một hệ thống hiện đại, với quy trình xử lý khép kín. Chỉ nhìn thôi cũng biết, nước thải chưa qua xử lý không thể "lọt" ra ngoài được. Vậy, tại sao nước con mương Gốc Sung chảy vào suối Nậm Pàn ở cách nhà máy 4km, lại bị ô nhiễm nặng như vậy. Và, tại sao chỉ ô nhiễm nặng nhất vào lúc nửa đêm? CTCP Mía đường Sơn La còn gây ô nhiễm môi trường nữa không?

Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La. Chỉ biết rằng, hiện nay hàng nghìn người dân thị trấn Hát Lót mà phần lớn là dân TK4, TK5 và TK6 đang ngày đêm phải gồng mình chống chọi với môi trường bị ô nhiễm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét